Xuất huyết sau chọc hút trứng ở Thái Lan thụ tinh ống nghiệm

11/01/2025
|
0 lượt xem
Các Bệnh Mang Thai & Sinh Con Sản Phụ Khoa Sức Khỏe
Xuất huyết sau chọc hút trứng ở Thái Lan thụ tinh ống nghiệm

Khi vào Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, bụng của chị Trâm chướng căng, đau, da xanh, huyết áp kẹp 85/65 mmHg, nguy cơ suy giảm tuần hoàn máu. Siêu âm ghi nhận hai buồng trứng phì đại gấp 5 lần bình thường, nhiều nang xuất huyết to, dịch ổ bụng lượng lớn chèn ép lên phổi kèm tràn dịch màng phổi hai bên. Bệnh nhân cho biết một ngày trước khi nhập viện đã chọc hút 56 trứng tại Thái Lan và trữ lại, chuẩn bị thụ tinh ống nghiệm.

Các bác sĩ Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh nhận định tình trạng biến chứng của bệnh nhân có thể do hội chứng quá kích buồng trứng mức độ nặng, chưa loại trừ có xuất huyết buồng trứng kèm theo. Êkíp Cấp cứu và Sản Phụ khoa hội chẩn nhanh, truyền dịch và 700 ml máu cho bệnh nhân để ổn định huyết áp. Khoảng một giờ sau, chị Trâm được phẫu thuật nội soi để hút dịch giảm áp, cầm máu.

BS.CKI Hồ Thị Khánh Quyên, Trung tâm Sản Phụ khoa cùng êkíp hút ra 4 lít dịch và máu trong ổ bụng người bệnh. Quan sát hai buồng trứng thấy nhiều nang xuất huyết bên trong, trong đó có một vị trí trên buồng trứng phải bị rách, chảy máu đỏ tươi, được đốt cầm máu kịp thời. Sau mổ, người bệnh tiếp tục dùng kháng sinh, bù đạm, bổ sung viên sắt, tăng cường dinh dưỡng, xuất viện sau 4 ngày điều trị.

Êkíp phẫu thuật nội soi cầm máu vị trí xuất huyết ở buồng trứng, hút 4 lít dịch và máu cho chị Trâm. Ảnh: Tuệ Diễm

Ở người bình thường, mỗi chu kỳ chỉ có một nang trứng phát triển và nang trứng này sẽ rụng để thụ tinh với tinh trùng. Trong các phương pháp hỗ trợ sinh sản, người phụ nữ được bác sĩ sử dụng thuốc kích thích buồng trứng giúp tạo ra nhiều nang trứng phát triển hơn để chọc hút và tiến hành kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Theo ThS.BS Trần Ngọc Hà Giang, IVF Tâm Anh Quận 8, những trường hợp kích thích buồng trứng như thế này thường thu khoảng 8-14 trứng trưởng thành là số lượng tối ưu để tạo phôi, tăng cơ hội có thai và hạn chế nguy cơ quá kích buồng trứng.

Theo bác sĩ Giang, chị Trâm bị buồng trứng đa nang, tức có nhiều nang nhỏ hoặc trứng không trưởng thành. Khi kích thích buồng trứng có thể thu được rất nhiều trứng nhưng không chất lượng.

Chị Trâm cho hay đã tự chích thuốc kích trứng 12 ngày tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ từ Thái Lan, sau đó đến bệnh viện tại Bangkok ba ngày để tiến hành chọc hút 56 trứng.

"Chị Trâm có thể đã được sử dụng phác đồ kích thích buồng trứng không phù hợp, liều cao khiến buồng trứng đáp ứng quá mức với thuốc", bác sĩ Giang lý giải, thêm rằng lượng nang trứng phát triển nhiều gấp 4 lần bình thường gây quá kích buồng trứng, ứ dịch, tràn dịch trong ổ bụng, tràn dịch màng phổi... Thời gian chọc hút kéo dài, kim chọc hút có thể chạm vào các mạch máu ở buồng trứng làm gia tăng nguy cơ xuất huyết buồng trứng sau chọc hút, không thể cầm máu. Điểm chảy máu trên buồng trứng có thể tự cầm, song một vài trường hợp không tự cầm được gây xuất huyết ổ bụng, ảnh hưởng đến huyết động cần phải phẫu thuật cầm máu như trong trường hợp của chị Trâm.

Bác sĩ Hà Giang chọc hút trứng cho bệnh nhân hiếm muộn tại IVF Tâm Anh Quận 8. Ảnh minh họa: Quỳnh Châu

Chị Trâm là bệnh nhân thứ ba gặp biến chứng sau chọc hút trứng ở Thái Lan điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM từ đầu năm đến nay. Hồi tháng 4, một phụ nữ 42 tuổi cũng bị xuất huyết ổ bụng sau khi hút 9 trứng ở Thái Lan. Bệnh nhân này vốn đã sinh hai con và cắt tử cung, đến Thái chọc hút trứng định thuê người mang thai hộ hoặc hiến trứng. Gây mê và chọc hút trứng vào buổi sáng, bệnh nhân tỉnh lại vào buổi trưa và chiều ra sân bay về TP HCM, sau đó bắt đầu đau bụng dữ dội trên máy bay nên đến sân bay Tân Sơn Nhất được đưa ngay vào bệnh viện Tâm Anh.Toàn bộ quá trình thủ thuật chọc hút, di chuyển về nước chỉ trong một ngày.

Theo bác sĩ Giang, sau chọc hút trứng, người bệnh cần thời gian nghỉ ngơi và theo dõi sức khỏe, nếu mệt mỏi, buồn nôn, nôn, căng tức, đau bụng dưới, khó thở, tiểu ít, tiểu ra máu phải đến bệnh viện gần nhất để kiểm tra kịp thời. Các biến chứng có thể xảy ra sau chọc hút trứng gồm quá kích hoặc xuất huyết buồng trứng, tổn thương các cơ quan lân cận như tử cung, bàng quang, ruột, mạch máu lớn, nhiễm trùng vùng chậu. Một số trường hợp hiếm gặp có thể gây huyết khối, suy đa cơ quan và tử vong.

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ quá kích buồng trứng gồm phụ nữ trẻ tuổi, thể trạng gầy, bị đa nang buồng trứng, phác đồ kích thích buồng trứng liều cao, người có tiền sử quá kích buồng trứng.

Do đó, bác sĩ Giang khuyến cáo nên chọn cơ sở hỗ trợ sinh sản uy tín, bác sĩ có chuyên môn, tay nghề cao để phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Bác sĩ có thể lựa chọn thuốc gây rụng trứng phù hợp nếu có quá nhiều nang trứng phát triển để ngăn ngừa nguy cơ xảy ra hội chứng quá kích buồng trứng. Bệnh nhân sẽ được tư vấn trữ phôi toàn bộ và chuyển phôi trữ ở chu kỳ sau, khi buồng trứng trở lại bình thường.

Bộ Y tế ghi nhận ngành hỗ trợ sinh sản tại Việt Nam đã hình thành và phát triển gần 30 năm, khoảng 150.000 trẻ chào đời nhờ thụ tinh ống nghiệm. Hiện cả nước 64 cơ sở hỗ trợ sinh sản, làm chủ nhiều kỹ thuật tiên tiến trên thế giới như nuôi trưởng thành trứng non trong ống nghiệm (IVM), tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI), nuôi phôi ngày 5, hỗ trợ phôi thoát màng (AH), chẩn đoán di truyền tiền làm tổ (PGT)... Tỷ lệ có thai sau làm IVF hiện tại là 40-50%, có những cơ sở lên đến 70%.

Chi phí điều trị trong nước rẻ hơn nhiều so với thế giới. Tại Việt Nam, chi phí cho một chu kỳ IVF khoảng 4.000-5.000 USD, bằng 1/3 so với các nước ASEAN khác. Như chị Trâm ước tính chi phí thụ tinh ống nghiệm tại Thái Lan của mình là 300 triệu đồng.

Tuệ Diễm

* Tên nhân vật đã được thay đổi

Độc giả gửi câu hỏi về sản phụ khoa tại đây để bác sĩ giải đáp
Tin liên quan
Tin Nổi bật