Khó xử với thức ăn thừa

30/12/2024
|
0 lượt xem
Thời Sự Ý Kiến
Khó xử với thức ăn thừa

Trong môi trường văn phòng hiện đại, các bữa tiệc nhỏ thường được tổ chức để kỷ niệm mỗi dịp nhân viên nhận được thành tích khen thưởng, lên lương, sinh nhật hay đơn giản là để gắn kết mọi người lại với nhau sau những giờ làm việc căng thẳng.

Có một thực tế là sau mỗi bữa tiệc, không ít món ăn ngon bị bỏ lại, từ bánh ngọt, trái cây đến các món chính, ăn không hết nhưng mọi người e ngại, đùn đẩy không mang thức ăn thừa về, dẫn đến lãng phí thực phẩm và gây ra không ít vấn đề cho văn phòng.

Hôm rồi, tròn một tháng tôi đến làm việc ở công ty mới, để tỏ lòng biết ơn mọi người đã phối hợp công tác, giúp đỡ tôi trong môi trường làm việc mới, tôi mời ban giám đốc công ty và mọi người trong phòng một bữa tiệc trưa với đồ ăn mua từ ngoài mang vào.

Để thể hiện sự chu đáo và mong muốn có một bữa tiệc vừa ấm áp, mến thương, mọi người cùng thưởng thức được ngon miệng nên tôi mua nhiều món ăn ngon, hoa quả nhập khẩu đắt tiền để chiêu đãi mọi người.

Vì gọi nhiều nên cuối buổi tiệc thấy vẫn còn nhiều đồ ăn ngon, có những món vẫn còn nguyên hộp chưa ăn đến, nên tôi có nhã ý mời mọi người cầm về nhà dùng cho bữa tối nhưng một vài người từ chối, một số người không lên tiếng, một số người né tránh nên tôi cũng thấy bối rối, e ngại với lời đề nghị của mình.

Tôi cứ băn khoăn về việc liệu việc mình mời mọi người cầm đồ ăn thừa về có bị cho là coi thường và không tôn trọng đồng nghiệp hay không? Tôi tự nghĩ rằng đấy là những đồ ăn chưa hết chứ không phải là đồ ăn thừa, vì từng phần, từng miếng tách rời nhau riêng biệt.

Tại sao mọi người lại khách khí, e ngại việc cầm đồ ăn thừa từ văn phòng hay quán ăn về nhà? Nếu bỏ lại những đồ ăn này vào thùng rác thì rất lãng phí và có lỗi trong khi đâu đó còn có nhiều người đang thiếu đói hàng ngày.

Lòng tôi cứ băn khoăn một câu hỏi, liệu chúng ta có quá sĩ diện hay không? Phải công nhận một điều rằng, bây giờ xã hội phát triển, kinh tế khá giả nên đời sống của chúng ta không thiếu thốn về vật chất, những bữa ăn được cải thiện rất đa dạng nên nhiều người có tâm lý ngại ngùng khi phải đề xuất việc mang thức ăn thừa về.

Mọi người thường lo lắng nếu trở thành "người duy nhất" phải nhận trách nhiệm này. Có thể họ nghĩ rằng việc hỏi ai sẽ mang về thức ăn thừa về làm khó chịu những người khác, hoặc đơn giản là không muốn tạo ra sự phiền phức. Và sau mỗi bữa tiệc, thức ăn thừa lại được bỏ đi mà không ai để ý.

Trong khi đó, tôi là người đứng ra tổ chức bữa tiệc này lại là người duy nhất phải mang đồ ăn thừa về. Điều này không chỉ gây khó xử cho tôi mà còn dẫn đến những hiểu lầm từ phía đồng nghiệp.

Đôi khi tôi bị gán cho cái nhìn không mấy thiện cảm, cho rằng "có mỗi mấy miếng đồ ăn thừa mà cũng tiếc, cũng vơ vét", mặc dù thực tế, tôi chỉ muốn tránh lãng phí, không bị tội lỗi vì bỏ phung phí đồ ăn và giữ gìn môi trường làm việc sạch sẽ.

Việc chúng ta ăn không hết đồ ăn, thức uống sau những buổi liên hoan, tiệc tùng không chỉ gây lãng phí thực phẩm mà còn ảnh hưởng đến không gian làm việc. Đồ ăn thừa bị bỏ lại có thể tạo ra mùi hôi, thu hút ruồi muỗi và gây mất vệ sinh. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của mọi người mà còn làm giảm tinh thần làm việc trong văn phòng.

Ngoài ra, việc đùn đẩy trách nhiệm mang thức ăn thừa cũng có thể dẫn đến những căng thẳng trong mối quan hệ đồng nghiệp. Khi một vài người luôn phải gánh vác việc dọn dẹp, điều này có thể tạo ra cảm giác bất công và làm suy yếu tinh thần đồng đội.

Tôi nghĩ hiện nay rất nhiều người ở các văn phòng cũng thường tổ chức những bữa tiệc, liên hoan nhỏ như vậy, khi tàn tiệc cũng sẽ dư thừa nhiều đồ ăn không hết, không ai dũng cảm chịu mang về nên đành bỏ phí, rất tội lỗi.

Vấn đề nhiều người đùn đẩy trách nhiệm mang thức ăn thừa sau các bữa tiệc liên hoan không chỉ đơn thuần là một tình huống nhỏ mà còn phản ánh văn hóa làm việc ở các văn phòng hiện nay. Để tạo ra một môi trường làm việc văn minh và bền vững, tránh tâm lý e ngại cần có sự chủ động và ý thức từ tất cả mọi người.

Trần Phú Dũng

Tin liên quan
Tin Nổi bật