Kết quả trên được đưa ra khi UBND thành phố thực hiện khảo sát 12.900 công chức và 76.600 viên chức trên địa bàn phục vụ Đề án xây dựng nền công vụ TP HCM hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024-2030, vừa ban hành.
Khảo sát của thành phố cho thấy hơn 75% công chức đánh giá khối lượng công việc ở mức nhiều hoặc rất nhiều. Khoảng 74% người được hỏi trả lời sẵn sàng thực hiện mọi nhiệm vụ để được ở lại cơ quan, đơn vị, song 43% người nói rằng "sẵn sàng nghỉ việc khi có cơ hội phù hợp hơn" và gần 22% phân vân giữa đi và ở.
Cán bộ tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính tại UBND TP Thủ Đức, tháng 8/2022. Ảnh: Quỳnh Trần
Lý do chính khiến công chức ở TP HCM muốn nghỉ việc là thu nhập quá thấp, công việc áp lực và không có cơ hội thăng tiến.
Đối với thu nhập, gần 81% công chức ở cấp xã, phường cho biết công việc rất nhiều nhưng thu nhập lại thấp nhất. Đây là nhóm sẵn sàng đổi công việc cao nhất.
Đối với nhóm viên chức, chỉ 50% người tham gia khảo sát cho biết thu nhập hiện tại ở khu vực công là hợp lý khi xem xét nhiều khía cạnh. Tuy nhiên, vấn đề mà nhóm này gặp phải chỗ làm thiếu người nên họ phải làm việc quá sức, căng thẳng, mong muốn được chuyển, nghỉ việc.
Ngoài ra gần 12% người được hỏi cho rằng cơ quan, đơn vị thiếu kinh phí. Nhiều nguồn bị cắt giảm thu hẹp ảnh hưởng hiệu quả công việc, nhiệm vụ.
Trong nhóm các giải pháp để xây dựng đề án công vụ hiệu quả, chính quyền TP HCM cho biết tính toán thí điểm các chính sách cân bằng công việc - cuộc sống. Điều này giúp cán bộ, công chức tâm lý thoải mái, tư duy tích cực, gắn bó lâu dài.
Thành phố sẽ tập trung hỗ trợ nhà ở xã hội, phát triển nhà cho cán bộ, công chức, viên chức; chi thu nhập tăng thêm, áp dụng cơ chế khoán trong sử dụng biên chế, số lượng người làm việc.
Ngoài ra, thành phố cũng tính toán các chính sách, tìm kiếm các giải pháp đột phá để thu hút nguồn nhân lực chất lượng vào bộ máy công quyền, khen thưởng xứng đáng, bảo vệ cán bộ sáng tạo, dám nghĩ dám làm vì lợi ích chung.
Với quy mô hơn 10 triệu dân và trên 300.000 doanh nghiệp, khối lượng công việc của cán bộ, công chức, viên chức ở TP HCM nằm trong tốp cao nhất nước. Kết quả từng khảo sát cho thấy một công chức thành phố phục vụ bình quân 346 người (tính cả biên chế phường, xã, thị trấn), hơn gấp 2 lần so với cả nước (152 người).
Ngoài nhiều lần đề xuất thêm biên chế, nhất là ở địa bàn đông dân cư, từ năm 2018 đến nay TP HCM chi thu nhập tăng thêm (mức tối đa 1,8 lần lương ngạch bậc, chức vụ) cho cán bộ, công chức thành phố theo chính sách đặc thù.
Lê Tuyết